Thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi giá trị xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD/năm, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu nông sản. Việc thâm canh hóa các mô hình nuôi và biến đổi khí hậu bất thường khiến vấn đề dịch bệnh thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Chính vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về Bệnh học thủy sản để phục vụ quản lý các mô hình nuôi, sức khỏe động vật thủy sản ngày càng cấp thiết đối với ngành Thủy sản nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Giới thiệu chung về ngành Bệnh học thủy sản
Bệnh học thủy sản trang bị cho sinh viên khả năng quản lý sức khỏe động vật thủy sản, chẩn đoán và xét nghiệm bệnh, kỹ năng phòng và trị bệnh động vật thủy sản, quản lý và vận hành phòng thí nghiệm bệnh thủy sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản và tham gia ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng Thủy sản.
Sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản được trang bị kiến thức tổng quát về động vật thủy sản; quản lý môi trường và bệnh thủy sản, chẩn đoán, điều trị bệnh động vật thủy sản; thuốc và dược lý học thủy sản, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến thủy sản; kỹ thuật vận hành các công trình và trang thiết bị trong trang trại thủy sản; dinh dưỡng thức ăn cho tôm và cá…
Sinh viên có cơ hội tham gia thực hành thực tập tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống, thương phẩm, thuốc, chế phẩm và các trang thiết bị liên quan. Đặc biệt, sinh viên được chú trọng nâng cao kỹ năng tiếng Anh, tăng cường kỹ năng mềm cần thiết về giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tổ chức công việc và quản lý thời gian.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Theo Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, ngành Thủy sản cần “Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả các lĩnh vực ngành thuỷ sản, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao…” nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thuỷ sản bền vững trước thực trạng dịch bệnh trên động vật thuỷ sản ngày càng gia tăng. Do đó nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn, tay nghề về lĩnh vực này là rất lớn.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Bệnh học thủy sản có thể làm việc tại các vị trí sau:
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
– Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
– Nhân viên trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, thuốc thủy sản như: Công ty UV Việt Nam, Công ty VMC Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, tập đoàn Việt Úc, công ty Cargil, Tập đoàn Mavin, Công ty Greenfeed, Tập đoàn Xuyên Việt,…
– Làm chủ doanh nghiệp về kinh doanh, tư vấn và quản lý bệnh thủy sản, thức ăn thủy sản, thuốc và vật tư thú y thủy sản.
Ngành Bệnh học thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Trường Đại học Nông nghiệp I) được thành lập ngày 12 tháng 10 năm 1956, là trường đại học đào tạo đa ngành, trường trọng điểm quốc gia. Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 100.000 kỹ sư, cử nhân, trên 10.000 thạc sỹ và hơn 600 tiến sỹ.
Một tiết thực hành của sinh viên ngành Bệnh học thủy sản
Học viện có đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết với hơn 80% giảng viên của Học viện được đào tạo từ các nước có nền khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Bỉ…
Theo học ngành Bệnh học thủy sản, sinh viên được học tập trong môi trường năng động với các thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác đào tạo, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh thủy sản, một trung tâm nghiên cứu thực nghiệm thuốc và chế phẩm cùng diện tích lớn ao hồ để sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Giảng viên, sinh viên tham gia hội thảo quốc tế về bệnh thủy sản
Hàng năm, có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất thuốc, chế phẩm vi sinh, thức ăn thủy sản; doanh nghiệp sản xuất giống và nuôi thủy sản… đến tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Bệnh học thủy sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trao học bổng và trả lương sinh viên ngay trong quá trình thực tập nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm việc ngay khi tốt nghiệp mà không cần qua quá trình thử việc với mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt. Thu nhập của sinh viên mới ra trường là khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp sau 5-6 năm đã có mức thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng.
Nếu bạn yêu thích ngành Bệnh học thủy sản và mong muốn học tập tại ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử này, hãy nhanh tay đăng ký vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Mã trường | Mã nhóm ngành | Tổ hợp tuyển sinh | Phương thức xét tuyển |
HVN | HVN24 | A00: Toán, Vật lí, Hóa học B00: Toán, Hóa học, Sinh học D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh | – Tuyển thẳng – Xét học bạ – Xét tuyển kết hợp – Xét điểm thi THPT quốc gia năm 2023 |
Thông tin liên hệ
Điện thoại: 024.6261.7578, 024.6261.7520, 0961.926.639, 0961.926.939
Website: www.vnua.edu.vn/
Facebook: www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn
Tin cùng thể loại
- HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM NHẬN HỒ SƠ XÉT TUYỂN KẾT HỢP TỪ 25/6/2024 ĐẾN 30/7/2024
- GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH KỸ THUẬT CƠ KHÍ
- Các chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Anh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Bệnh học thủy sản – ngành mới xuất phát từ nhu cầu nhân lực cấp thiết
- Ngành Kinh tế – “Ươm mầm lãnh đạo tương lai”