Tin tức

Tìm giải pháp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk

Ngày 19 – 24/8/2024, đoàn công tác Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có các chương trình Tọa đàm và khảo sát về tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk. Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài Khoa học Công nghệ cấp tỉnh “Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Khoa Du lịch và Ngoại ngữ được giao là đơn vị chủ trì triển khai.

Thực hiện hoạt động nghiên cứu, đoàn công tác đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk; Hội Doanh nhân Buôn Ma Thuột. Đối với các huyện/thành phố nằm trong vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, đoàn tiến hành các tọa đàm, phỏng vấn sâu và khảo sát thực địa các mô hình. Tham dự Tọa đàm là đại diện lãnh đạo UBND huyện, đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng Nông nghiệp &PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế – Hạ tầng, đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn có mô hình tiêu biểu phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; đại diện của các Công ty/doanh nghiệp/HTX/Trang trại kinh doanh hoặc có tiềm năng kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp và mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương…

Đoàn công tác Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có sự tham dự của TS. Hồ Ngọc Ninh – Phó trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ là Trưởng đoàn, PGS.TS Mai Thanh Cúc – Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế &PTNT, TS. Lại Phương Thảo – Chủ nhiệm đề tài, giảng viên Khoa Kế toán &QTKD và các cán bộ giảng viên tham dự chương trình công tác.

 Chương trình Tọa đàm được tổ chức tại các huyện của tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích lớn, dân số đông, đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em và các di sản văn hóa nổi tiếng và các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử hào hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… Sản phẩm nông nghiệp của Đắk Lắk có nhiều nét đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên với chất lượng tốt và có thương hiệu như các sản phẩm từ cà phê, cacao, macca, và các sản phẩm cây ăn trái như sầu riêng, bơ… Đây chính là những tiềm năng, thế mạnh để Đắk Lắk thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số cũng như quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Qua trao đổi của lãnh đạo các sở ngành, địa phương, thời gian qua Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, sản phẩn du lịch, hỗ trợ đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp của Đắk Lắk nói chung và các huyện có tiềm năng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn như: Vướng mắc về cơ chế và chính sách liên quan đến đất đai để xây dựng các hạng mục cơ bản như khu đón tiếp khách, khu vệ sinh, bãi đỗ xe…; các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp về sản phẩm nông nghiệp; Hạ tầng du lịch ở nhiều điểm còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu đón tiếp khách. Các điểm du lịch và các sản phẩm gắn với du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu, chiều sâu. Đặc biệt, lực lượng lao động trong du lịch còn yếu cả về số lượng và chất lượng, chưa có đủ các kỹ năng trong công tác du lịch, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch…

Chương trình Tọa đàm và khảo sát hiện trạng của đoàn công tác Học viện cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các công ty, doanh nghiệp tham dự nhằm tháo gỡ những khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp hiện tại và xây dựng những sản phẩm du lịch mới cho Đắk Lắk, thúc đẩy khả năng kết nối, khai thác du lịch giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố trong vùng…

Sau tọa đàm, đoàn công tác của Học viện đã thăm quan, khảo sát một số mô hình du lịch nông nghiệp, điểm du lịch nông nghiệp tiềm năng để đánh giá chính xác hơn thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương; từ đó có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp với nhằm thúc đẩy phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk./.