Một sức khỏe là một phương pháp tiếp cận cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường. Trong đó, an toàn thực phẩm là một khía cạnh quan trọng vì sự an toàn và chất lượng của thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường.
Nhằm tăng cường nhận thức và kết nối các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, ngày 23/08/2024, nhóm Nghiên cứu mạnh Vi sinh vật và an toàn thực phẩm đã tổ chức Hội thảo cấp Học viện với chủ đề “Một sức khoẻ và An toàn thực phẩm”.
Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa an toàn thực phẩm với sức khoẻ của động vật, môi trường cũng như những ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Đây cũng là diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, giới thiệu các kết quả nghiên cứu cập nhật về an toàn thực phẩm, hướng tới sự phát triển bền vững.
Đến dự với hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng); các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường Đại học (ĐH Bách khoa HN, ĐH quốc gia, Trường ĐH khoa học và công nghệ Hà Nội), Viện nghiên cứu (Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Thú y); doanh nghiệp (công ty Yakult, công ty cổ phần công nghệ cao Rau Việt, Hợp tác xã hậu cần nhà Binh – Bộ Quốc Phòng; chuỗi của hàng OCOP Hoài Đức, Hà Nội); cùng giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên tại các Khoa Nông học, Chăn nuôi, Thú y, Công nghệ thực phẩm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – trưởng nhóm NCM Vi sinh vật và ATTP đã phát biểu chào mừng, nêu rõ mục đích hội thảo, tầm quan trọng và mối liên hệ giữa các lĩnh vực trong Một sức khỏe tới vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy phát biểu khai mạc tại hội nghị |
Tại bài trình bày đầu tiên, TS. Nguyễn Văn Duy (Khoa Chăn nuôi) đã trình bày chủ đề “Bổ sung thảo dược vào thức ăn nhằm cải thiện năng suất, sức khoẻ gà thịt và giảm ô nhiễm môi trường”. Với tình hình lạm dụng kháng sinh như hiện nay trong chăn nuôi, hậu quả không những ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng do hiện tượng kháng kháng sinh. Sử dụng thảo dược bổ sung trong thức ăn cho vật nuôi là một trong những giải pháp khắc phục vấn đề trên. Nghiên cứu của TS. Duy thực hiện trên đối tượng gà và sử dụng 4 loại thảo dược (đơn kim, hoàn ngọc, quế, hồi) với nồng độ bổ sung từ 1-2% Kết quả nghiên cứu cho thấy, với tỉ lệ thảo dược bổ sung 2% vào thức ăn chăn nuôi, các chỉ tiêu sản lượng, chất lượng được cải thiện đáng kể, đồng thời giảm giảm mùi và lượng khí thải trong phân gà do thảo dược chứa các thành phần giúp gà tiêu hoá triệt để hơn, giảm lượng dinh dưỡng dư thừa trong phân. Ngoài ra sử dụng thảo dược cũng làm giảm lượng cholesterol tổng số và cholesterol xấu trong thịt gà.
TS. Nguyễn Văn Duy với bài trình bày “Bổ sung thảo dược vào thức ăn nhằm cải thiện năng suất, sức khoẻ gà thịt và giảm ô nhiễm môi trường” |
Bài trình bày tiếp theo với chủ đề “Thực trạng kháng kháng sinh trên các vi khuẩn gây bệnh thường gặp ở lợn: Nguyên nhân, hậu quả và giải pháp” của TS. Đàm Văn Phải (khoa Thú y) đã giúp người nghe hiểu thêm về hiện trạng kháng kháng sinh đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trong chăn nuôi lợn tại Việt Nam, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới đời sống của con người. Việc sử dụng kháng sinh không đúng mục đích, không đúng liều lượng cũng như không đúng loại trong của trình chăn nuôi của các chủ trại khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng lên rõ rệt. Vì vậy việc tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thú y là vô cùng cần thiết và cấp bách. Những số liệu tổng quan cùng kết quả nghiên cứu được phân tích chi tiết có thể giúp cho các chủ trang trại lựa chọn loại thuốc phù hợp trong điều trị bệnh cho vật nuôi.
TS. Đàm Văn Phải với bài trình bày “Thực trạng kháng kháng sinh trên các vi khuẩn gây bệnh thường gặp ở lợn: Nguyên nhân, hậu quả và giải pháp” |
Tiếp theo, ba sản phẩm thực phẩm có chất lượng cao, an toàn cho tiêu dùng đã được chứng minh bởi các số liệu phân tích cũng đã được giới thiệu thông qua các bài trình bày với chủ đề “Chất lượng đặc thù của nước mắm Nam Ô và mối quan hệ với điều kiện địa lý” của TS. Phan Thị Phương Thảo (Khoa Công nghệ thực phẩm); và “Chất lượng đặc thù của sản phẩm mật ong cà phê Gia Lai mang nhãn hiệu chứng nhận” của PGS. TS. Phạm Hồng Thái (Khoa Nông học) và “Synboitic làm giảm các biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật cắt gan ở bệnh nhân ung thư đường mật” của chị Phạm Thùy Linh, đại diện công ty Yakult. Với những nỗ lực tích cực trong cải thiện chất lượng sản phẩm, chế biến theo quy trình được kiểm soát kỹ lưỡng, phát triển công nghệ theo định hướng bền vững cũng góp phần làm tốt hơn công tác Một sức khỏe.
TS. Phan Thị Phương Thảo với bài trình bày “Chất lượng đặc thù của sản phẩm nước mắm Nam Ô và mối quan hệ với điều kiện địa lý” |
Bạn Phạm Thùy Linh, đại diện công ty Yakult với bài trình bày “Synboitic làm giảm các biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật cắt gan ở bệnh nhân ung thư đường mật” |
PGS. TS. Phạm Hồng Thái với bài trình bày “Chất lượng đặc thù của sản phẩm mật ong cà phê Gia Lai mang nhãn hiệu chứng nhận” |
An toàn thực phẩm cho các sản phẩm truyền thống đã được PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Công nghệ thực phẩm) trao đổi thông qua chủ đề “Giải pháp nhằm giảm thiểu hàm lượng amin sinh học trong các sản phẩm lên men truyền thống”. Nhóm nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng về sự hiện diện của amin sinh học trong các sản phẩm truyền thống, tác hại của các loại amin này, từ đó đề xuất phương pháp giúp loại bỏ chúng nhằm tăng chất lượng cũng như giá trị của các sản phẩm lên men truyền thống của Việt Nam, với đối tượng cụ thể từ động vật, thực vật là sản phẩm nước nắm, nem chua, mắm tôm, mắm tép, tương, chao,… Các biện pháp đề xuất với mục tiêu đơn giản, thân thiện, cũng như giảm thiểu chi phí giúp tối ưu quy trình.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh với bài trình bày “Giải pháp nhằm giảm thiểu hàm lượng amin sinh học trong các sản phẩm lên men truyền thống” |
Cuối cùng, để mang tới một cái nhìn toàn cảnh, góp phần mang tới một bức tranh tổng quan về tác động của Một sức khỏe tới xã hội và con người, PGS. TS. Nguyễn Thị Diễn (Khoa Khoa học xã hội) đã có bài trình bày “Ứng dụng xã hội học nông nghiệp trong nghiên cứu Một sức khoẻ ở Việt Nam”. Bài trình bày đã làm ró khái niệm xã hội hoá nông nghiệp, giúp khám phá, xem xét ý nghĩa, định hình hành vi và thực hành của người tiêu dùng. Trong đó, theo quan điểm xã hội học, thực phẩm là cái thể hiện bản dạng của cá nhân, gắn với đặc trưng về giới, địa vị kinh tế, xã hội, thể hiện mối quan hệ xã hội và bị chi phối bởi văn hoá, tín ngưỡng. Vì thế, sự phát triển về của thực phẩm cần gắn với khoa học thực phẩm, đồng thời xem xét tất cả các yếu tố liên quan, từ kỹ thuật đến xã hội, để đảm bảo sự an toàn và phù hợp cho thực phẩm trong toàn hệ thống thực phẩm.
PGS. TS. Nguyễn Thị Diễn đã có bài trình bày về chủ đề “Ứng dụng xã hội học nông nghiệp trong nghiên cứu Một sức khoẻ ở Việt Nam” |
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các thành viên tham gia và mọi người đã hiểu rõ hơn về Một sức khỏe. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng ý nghĩa của nó vẫn là sự hợp tác giữa các ngành, tối ưu hóa nguồn lực và tôn trọng quyền tự chủ của các lĩnh vực khác nhau. Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, việc cần thiết là phải thiết lập một sự cân bằng tốt hơn giữa các nhóm ngành hiện có và mạng lưới, đặc biệt là giữa các bác sĩ thú y và bác sĩ nhân y, tăng cường sự tham gia của các chuyên gia về sức khỏe môi trường và động vật hoang dã, cũng như các nhà khoa học xã hội và các tổ chức phát triển.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo:
Nhóm NCM Vi sinh vật và ATTP