Công tác nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới phục vụ mục tiêu ‘nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh’, trọng tâm là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, gia tăng giá trị và sức mạnh cạnh tranh cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Đó là một trong những nội dung trọng tâm trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi tham dự lễ khai giảng năm học 2024 – 2025 và khánh thành Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam sáng 12.10. Cùng dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, ngành.
Nghiên cứu phục vụ phát triển nền nông nghiệp xanh, thông minh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, trong gần 70 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước, đã đào tạo cho đất nước hơn 120.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ đại học, trên 15.000 thạc sĩ và hơn 700 tiến sĩ.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là một trong 6 trường đại học đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Học viện được đánh giá là một trong các trường đại học thực hiện sinh động và thành công nhất Nghị định của Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, trên 90% sinh viên ra trường có việc làm ngay đã chứng minh hiệu quả, chất lượng trong công tác đào tạo của học viện, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp, đổi mới và sáng tạo cho sinh viên.
Cùng với sự phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có một nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã nổi danh trên thị trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phấn đấu để không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước mà còn phải là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, một trung tâm của đổi mới sáng tạo, một địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp quốc gia.
Trong đó, nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới phục vụ mục tiêu “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”, trọng tâm là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu Bộ NN-PTNT tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia tích cực vào các chương trình khoa học công nghệ do bộ chủ trì. Trong đó, trước mắt là chương trình xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp và các chương trình khác trong thời gian tới.
Các phòng thí nghiệm với các thiết bị ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trên thế giới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là lực lượng chủ lực trong hệ thống các phòng thí nghiệm tham chiếu, được chỉ định của quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt.
Đơn vị hàng đầu đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp
Theo GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tiền thân là Trường đại học Nông Lâm), được thành lập năm 1956, đến nay, học viện đã và đang đào tạo 69 khóa sinh viên; có đội ngũ 1.300 cán bộ, viên chức, trong đó hơn 700 giảng viên, nhà khoa học có học hàm, học vị cao. Năm học 2024 – 2025, học viện đón hơn 6.000 sinh viên.
Trong suốt chặng đường 68 năm ấy, học viện đã không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để khẳng định là một trong những đơn vị hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
GS-TS Nguyễn Thị Lan khẳng định, dẫn đường cho sự phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo. Theo đó, Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất – kinh doanh.
Theo đó, học viện tự nhận thấy trọng trách của mình trong việc tiếp tục đồng hành với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cả dân tộc vươn mình để khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Đặc biệt, vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được đầu tư dự án “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” với tổng vốn 58,7 triệu USD.
Đây là dự án được triển khai từ nguồn vốn của WB với 13 công trình được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu làm việc, giảng dạy, học tập của cán bộ, viên chức và sinh viên; góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo của học viện.