Tin tức

Giáo dục ý thức thẩm mỹ cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay

Ý thức thẩm mĩ hay ý thức nghệ thuật là một trong những hình thái ý thức xã hội được hình thành từ rất sớm, trước khi xã hội có sự phân chia giai cấp. Bên cạnh những đặc điểm chung giống với các hình thái ý thức xã hội khác thì ý thức thẩm mỹ còn có đặc điểm riêng đó là phản ánh tồn tại xã hội bằng hình tượng nghệ thuật.

Ý thức thẩm mỹ bao gồm những thành tố như: xúc cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ chúng quan hệ biện chứng với nhau và đều được hình thành từ thực tiễn.

Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng gắn bó mật thiết với đời sống hiện thực của con người ở những giai đoạn lịch sử xã hội nhất định và các hình tượng nghệ thuật chân thực và có giá trị thẩm mỹ cao sẽ đáp ứng những nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ tiến bộ xã hội, tác động đến lý trí và tình cảm của con người, xây dựng ở con người những hành vi đạo đức tốt đẹp.

Sinh viên Việt Nam “là người đang học chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học”; “là trung tâm của các hoạt động giáo dục và đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học được bảo đảm điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền trong quá trình học tập và rèn luyện tại cơ sở giáo dục và đào tạo”. Sinh viên cũng là những chủ thể thẩm mỹ mà trong đó ý thức thẩm mỹ của họ của họ không thể tách rời ý thức thẩm mỹ chung của xã hội, của giai cấp, dân tộc.

Ý thức thẩm mỹ của sinh viên được thể hiện đầy đủ trên cả ba phương diện đó là: sự xúc cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Theo đó, xúc cảm thẩm mỹ là sự rung động trước các sự vật, hiện tượng của thiên nhiên, con người, các sản phẩm lao động, công trình nghệ thuật… Cảm xúc thẩm mỹ đó có thể là niềm hân hoan, vui sướng, thích thú trước cái đẹp, là nỗi xót xa, mến phục, thương tiếc trước cái bi, là niềm cảm phục, tôn kính trước cái cao cả… là khả năng thưởng thức và đánh giá về cái đẹp, là nhu cầu tiếp thu và tạo ra cái đẹp trong học tập, lao động, trong sinh hoạt, trong ứng xử và cả trong nghệ thuật, chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn nó trên cơ sở các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Từ đó, hình thành khát vọng sống cao đẹp: sống có lý tưởng, khát khao chiếm lĩnh những đỉnh cao trong khoa học, yêu lao động, yêu thiên nhiên, xả thân vì nghĩa lớn.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế đã mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội cơ hội để tiếp cận và thưởng thức cái đẹp, thưởng thức nghệ thuật cũng như tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới; khả năng học hỏi, tiếp thu của sinh viên rất nhanh, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc, sẽ không tránh khỏi việc tiếp nhận nhanh những giá trị văn hóa không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống văn hóa của dân tộc. Sự khủng hoảng năng lực thẩm mỹ, sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ ở một bộ phận sinh viên như: hiện tượng tôn sùng văn hóa nước ngoài; sự dễ dãi trong quan niệm tình yêu và hôn nhân; chạy theo các xu hướng “showbiz”, “hot girl”, “ngôi sao”, các loại thời trang “sành điệu” lập dị với mốt thiếu vải, hình xăm trổ, mốt tạo mẫu tóc tattoo hair với những hình thù phản cảm; ngôn ngữ giao tiếp tuổi teen với những từ ngữ khó hiểu; trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên các phương tiện truyền thông tác động mạnh mẽ đến giới trẻ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cực đoan và sự chai sạn cảm xúc. Những hiện tượng chạy theo trào lưu trên ngày càng phổ biến, đã gióng lên hồi chuông báo động, tạo nên những “cơn sốt ảo” về giá trị văn hoá, mơ hồ về thị hiếu thẩm mỹ, dần dần hình thành lối sống ảo, sống thờ ơ, thực dụng,… trong sinh viên. Như vậy có thể thấy rằng, việc cảm nhận, thưởng thức và đánh giá các giá trị văn hoá, thị hiếu thẩm mỹ bị thay đổi do không có một phông văn hoá vững chắc, làm lệch đi giá trị Chân – Thiện – Mỹ theo cách hiểu truyền thống.

Trào lưu đam mê thần tượng của nhiều bạn trẻ 

Xuất phát từ thực tế trên cũng như quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về mục tiêu giáo dục là phát triển con người Việt Nam toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ… với nội dung giáo dục đào tạo “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”  thì nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học bên cạnh việc giáo dục và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, thì cần kết hợp với việc giáo dục ý thức thẩm mỹ cho sinh viên.

Giáo dục ý thức thẩm mỹ giúp sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về mặt thẩm mỹ. Trên cơ sở đó, sinh viên hình thành năng lực thẩm mỹ, biết lựa chọn những giá trị thẩm mỹ, hình thành niềm tin và lý tưởng thẩm mỹ, định hướng cho mọi suy nghĩ và hành động của mình, củng cố và phát triển những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp đặc biệt là các giá trị thẩm mỹ truyền thống; mặt khác, cần phải khắc phục những quan điểm thẩm mỹ lạc hậu, lệch chuẩn, đấu tranh loại bỏ các biểu hiện suy thoái, biến chất về thẩm mỹ và xây dựng những chuẩn mực thẩm mỹ phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Hình thành quan niệm sống tích cực và tạo cơ chế phòng ngừa các phản giá trị thẩm mỹ, thức tỉnh trong sinh viên những cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ trong sáng, tốt đẹp, khơi dậy khả năng sáng tạo trong bản thân mỗi sinh viên theo quy luật của cái đẹp chân chính, từ đó, góp phần tích cực trong việc hình thành nhân cách của sinh viên.

Có nhiều hình thức giáo dục thẩm mỹ, mỗi hình thức giáo dục đều có hiệu quả khi nó vận dụng được phương pháp chung tương ứng với quá trình phát triển nhận thức của con người, đó là phương pháp thích hợp. Có thể kể đến các hình thức như: giáo dục thẩm mỹ qua lao động và hoạt động thực tiễn xã hội; qua các hình mẫu người tốt, việc tốt; giáo dục thẩm mỹ bằng môi trường; giáo dục thông qua học tập mỹ học và các bộ môn khoa học xã hội nhân văn; giáo dục thông qua nghệ thuật. Điều cốt lõi là, giáo dục phải làm sao trau dồi được sự nhạy cảm thẩm mỹ, tăng cường năng lực thẩm định trực giác, đánh thức các khả năng sáng tạo tiềm ẩn, thúc đẩy quá trình hình thành nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ tích cực để biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục.

                                                                              ThS. Nguyễn Thị Thanh Minh

Bộ môn: Triết học

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Triết học Mác – Lênin (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.

3. Đỗ Huy (1987). Giáo dục thẩm mỹ – Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Thông tin lý luận Hà Nội.

4. Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo về Bán hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, Điều 2