Tin tức

Góc nhìn: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

ăn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới”. Để có thêm góc nhìn và gợi mở các giải pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, với chủ đề: “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”.

 

 

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường của đất nước.

Ngày nay, tăng trưởng xanh và nông nghiệp sinh thái (NNST) trở thành từ khóa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nông nghiệp của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. NNST về bản chất là một triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội loài người; là triết lý phát triển của một xã hội hài hòa: hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hài hòa giữa con người với con người… Như vậy là NNST cũng chính là nông nghiệp (NN) bền vững, là nền NN tràn đầy năng lượng: năng suất cao, sản lượng lớn, hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Cùng với chính sách và thể chế, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa thành công”, là “con đường sống” cho sự thành công của nền NNST, của một nông thôn hiện đại của những cư dân Việt Nam văn minh trong tương lai.

 

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển của “tam nông” trong giai đoạn mới là: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Nông nghiệp sinh thái (NNST) không đơn giản chỉ là một xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp tiến bộ, phù hợp với các qui luật tự nhiên và xã hội, hội tụ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thời 4.0); mà hơn thế, đó còn là một triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội loài người, một quan điểm phát triển mang tầm thời đại.

Trên thực tế, với sản xuất nông nghiệp, đó là một quan niệm, một cách tiếp cận làm nông nghiệp hơn là một phương thức canh tác cụ thể mà chúng ta thường nghe, thường thấy hằng ngày như “nông nghiệp thông minh”, “nông nghiệp hữu cơ”, “nông nghiệp chính xác”, “nông nghiệp số”, “nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp tuần hoàn”, v.v… với các ‘tiếp đầu ngữ’ vào từ gốc ‘nông nghiệp’, từ đó tạo nên các danh xưng, các thuật ngữ mới trong thực hành sản xuất nông nghiệp. Các thuật ngữ này là các phương thức canh tác cụ thể, trong các hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của “nền NNST”. Như vậy là, NNST không loại trừ phân bón hóa học và các hóa chất phòng chống các loài “gây hại”, không loại trừ hay hạn chế các “hóa” như thủy lợi hóa, cơ giới hóa, sinh học hóa, tự động hóa, hóa học hóa, v.v.., mà sử dụng chúng một cách hợp lý, có chọn lọc, bổ sung them các “hóa” khác của Thế kỷ 21 như thương mại hóa, thị trường hóa, nhân văn hóa, nhân bản hóa, v.v… được thiên nhiên, được sức khỏe của người tiêu dùng và sự an bình của cộng đồng chấp nhận; nghĩa là trở vể với cội nguồn của nông nghiệp (Agri-Culture): văn hóa của các vùng đất, văn hóa của đất đai, văn hóa của sự vun trồng và trách nhiệm.

NNST là một “cuộc cách mạng’’, nó chạm đến vấn đề lớn nhất và sâu xa nhất của con người từ khi biết sống thành xã hội, đó là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và con người với con người.

 

Mặc dù nông nghiệp là nhân tạo nhưng nó vẫn nằm trong tự nhiên và vì vậy chịu sự điều khiển và tác động của tự nhiên. NNST khuyến khích con người phát huy lòng tự tin, sự sáng tạo để cùng nhau giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở từng địa phương cũng như các vấn đề chung: cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, mất cân bằng sinh thái, đói nghèo…

NNST góp phần tìm ra giải pháp cho vấn đề khủng hoảng môi trường, nó có khả năng tác động đến và cải thiện những vấn đề môi trường. Những khái niệm về NNST đã được phát triển trên nền tảng đạo đức và nguyên lý sinh thái học dẫn đến những chuẩn mực chỉ đạo đúng đắn cho người thực hành.

Triết lý của NNST là phải hợp tác và học hỏi thiên nhiên, tuân thủ những quy luật của tự nhiên, kế thừa và chắt lọc tri thức bản địa và nâng tầm các tri thức bản địa ấy lên tầm cao của công nghệ hiện đại; có cái nhìn tổng thể và hệ thống trong quan điểm phát triển, tạo ra nền nông nghiệp đa giá trị, bảo tồn và phát huy tri thức địa phương, văn hóa làng xã, mang lại sự giầu có cho cự dân và sự hung thịnh cho xã hội, cho cộng đồng.

 

 

Không ít người cho rằng, hệ lụy của nông nghiệp thâm canh (cạn kiệt nguồn nước, suy kiệt và thoái hóa đất, đầu độc môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, phát thải khí nhà kính, mất vệ sinh và an toàn thực phẩm, sự xuất hiện liên tục các loài dịch bệnh gây hại mới, v.v…) là “các điều xấu cần thiết” để đảm bảo cái ăn, cái mặc cho một dân số không ngừng gia tăng. NNST chỉ là lý thuyết, và chỉ có thể áp dụng trong điều kiện mật độ dân số thấp, những bài học từ “Cuộc cách mạng một cọng rơm” tồn tại trên các giảng đường nhiều hơn là trong thực tế phát triển nông nghiệp. Và người ta đặt ra câu hỏi, NNST hay về đạo đức và văn hóa thật đấy, nhưng có nuôi nổi con người không, nông dân có thể kiếm sống và có thể làm giầu bằng NNST ko? Các câu hỏi này hàm ý: NNST ko thể nuôi nổi cư dân của hành tinh đang ngày thêm đông đúc, và NNST không có khả năng tạo ra thu nhập ở mức “chấp nhận được” cho người nông dân.

Đó là một định kiến sai lầm và đã tồn tại dai dẳng. Thực tế, NNST là một cách tiếp cận làm nông nghiệp tạo ra thu nhập ít nhất là tương đương, nếu ko muốn nói là vượt trội, so với các hình thái canh tác thường qui. Đấy là còn chưa nói đến, NNST đo lượng sự thành công không chỉ bao gồm sản lượng và calo, mà còn bằng chất lượng dinh dưỡng trong lương thực, thực phẩm, đồng thời tái tạo đất và nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cải thiện sinh kế của người nông dân nhờ tiết giảm đầu vào và gia tang giá trị đầu ra. NNST có thể tạo ra một hệ thống lương thực và thực phẩm lành mạnh và bền vững hơn nhiều so với các hình thái thực hành canh tác thường qui của nền nông nghiệp công nghiệp và nông nghiệp hóa học. Một nghiên cứu vào năm 2019 do GS Jan Douwe van de Ploeg tại đại học Wageningen và các cộng sự thực hiện đã cung cấp cả bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm cho thấy NNST có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân hơn cả nông nghiệp được tổ chức sản xuất theo kiểu công nghiệp.

 Nông nghiệp sinh thái là hướng đi để phát triển nông nghiệp bền vững.

NNST là một thực thể đang phát triển trong sản xuất NN ở Việt Nam và trên thế giới; diện tích thực hành NNST ngày càng mở rộng. Chính phủ nhiều nước đã đầu tư những khoản tiền không nhỏ để phát triển hình thái canh tác tiến bộ này.

Như vậy, NNST quan tâm đến giá trị gia tăng/tổng giá trị sản phẩm (VA/GVP) trong khi NN thâm canh chú trọng đến tổng giá trị sản phẩm (năng suất/đơn vị diện tích- GVP/LU; nói cách khác, NNST dựa vào hiệu quả theo phạm vi (economics of scope) chứ không phải hiệu quả theo qui mô sản xuất (economics of scale) như nông nghiệp công nghiệp hay nông nghiệp hóa chất đang còn phổ biến hiện nay. Theo đó, NNST cho tỷ lệ VA/GVP cao nhất.

 

 

Khoa học và công nghệ (KH&CN) của chúng ta thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung; 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, trong đó có trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu “tỷ đô”v.v… Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về các thành tựu to lớn này.

Tuy vậy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vị trí này thể hiện sự tụt hậu của KH&CN nước nhà. Sự tụt hậu này chủ yếu do cơ chế và chính sách của nhà nước.  

Khoa học Nông nghiệp là một bộ phận của KH&CN quốc gia, muốn đẩy mạnh nckh, phát triển và ứng dụng công nghệ trong xây dựng nền NNST, hiện đại, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta rất cần nền KH&CN quốc gia phát triển mạnh, ngang tầm nhiệm vụ và ngang tầm thời đại, trong đó có KH&CN nông nghiệp.

 

 

Để phát huy vai trò của KH&CN, trước hết là con người và thể chế, nhằm khai phóng mọi nguồn lực, mọi sức sáng tạo để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện đổi mới trong quản lý và quản trị công tác KH&CN, cần:

(1) Trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở NCKH về (i) chuyên môn học thuật; (ii) tổ chức và nhân sự, và (iii) tài chính và tài sản.

 (2) Bộ KH&CN cũng như các đơn vị thuộc và trực thuộc, như Sở KH&CN của các tỉnh thành chỉ làm công tác quản lý nhà nước về KH&CN; nghiên cứu, nếu có là các nghiên cứu về thể chế và chính sách, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về chính sách, thể chế thuộc thẩm quyền của Bộ, để NCKH rộng đường phát triển; không quản lý trực tiếp kinh phí; không tổ chức nghiên cứu các vấn đề thuộc về các bộ/ngành hay lĩnh vực chuyên môn khác.  

(3) Bộ KH&CN sau khi tham vấn các bộ/ngành, các địa phương và các cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chương trình nghiên cứu dài hạn cho từng chuyên ngành hay nhóm chuyên ngành khoa học.

(4) Thành lập Quỹ Nghiên cứu khoa học quốc gia đủ mạnh, nghĩa là đủ lớn về tiền bạc và đủ minh bạch trong quản lý tài chính, đc tổ chức và vận hành độc lập, do một Hội đồng các nhà kho học uy tín, những người coi trọng danh dự và uy tín cá nhân họ điều hành; không chịu sự quản lý hành chính và sự chi phối về tổ chức-nhân sự của một cơ quan chủ quản nào. Việc phân bổ kinh phí nghiên cứu dựa vào tiêu chí duy nhất là chất lượng nghiên cứu, các công trình đã “trình làng” của nhà khoa học, của nhóm nghiên cứu, lấy đầu ra học thuật làm mục tiêu tối thượng.

 
 

Theo một báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2019 nước ta có 185.436 người tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng gần 13.000 người (gần 7,4%) so với 2 năm trước đó; cơ cấu tương đối ổn định với đội ngũ nghiên cứu viên chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 80%, kỹ thuật viên dao động trong khoảng 6-7%, còn lại là cán bộ hỗ trợ. Trong những năm qua, số lượng và trình độ của đội ngũ này đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu đã tăng từ gần 50% (2015) lên gần 57,3% (2019). Nếu so sánh về số cán bộ nghiên cứu trên 1 vạn dân thì Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (69,2), Malaysia (23,6) và Thái Lan (12,1); so với các nước phát triển, con số này của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều.

Có thể thấy, trong thời gian qua, nhân lực KH&CN, mặc dù có tăng về số lượng và phát triển về chất lượng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước; chưa có cơ chế chính sách đột phá để nhân lực KH&CN trở thành nguồn lực cốt yếu của công cuộc phát triển đất nước.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra các đột phá chiến lược, trong đó có một khâu quan trọng: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”; Để hiện thực hóa Nghị quyết của đảng, để chúng ta có một đội ngũ các nhà khoa học đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ và yêu cầu phát triển đất nước, thiết nghĩ chúng ta cần phải:

(1) Tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với lao động sáng tạo, tạo động lực và nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong đó quan tâm đến việc xây dựng thái độ và hành động trọng thị thực sự của toàn xã hội đối với đội ngũ trí thức, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ  KH&CN đối với công cuộc phát triển đất nước;

 (2) Đồng bộ về số lượng và chất lượng đội ngũ các nhà khoa học. Cần xây dựng kế hoạch tổng thể để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN trong nước. Hiện chúng ta đã có hang chục nhà khoa học thuộc hàng có ảnh hường toàn cầu, nhưng đó là con số còn khá khiêm tốn ở một đất nước có tới trên 12.000 tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với 682 giáo sư, 4.760 phó giáo sư đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học toàn thời gian trong các trường đại học, viện nghiên cứu; Đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện công cuộc “du nhập” KH&CN lần thứ 2, đón các nhà khoa học Việt kiều đã thành danh ở nước ngoài về nước như Bác Hồ đã làm rất thành công trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc gần 80 năm trước.

 

Từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ đã giảm dần và năm thấp nhất chỉ có 0,82% tổng chi ngân sách, trong khi quy định phải đảm bảo thấp nhất là 2% tổng chi ngân sách; Năm 2022, tỷ lệ này có khá hơn, chiếm 1,01% chi ngân sách.

Hiện nay, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, tính theo GDP, mới chỉ chiếm khoảng 0,6% GDP, trong khi đó năm 2018 ở Mỹ là 2,83%, Trung Quốc là 2,14%, Nhật Bản là 3,28%, và Malaysia là 1,04%… Kinh phí đầu tư cho NC và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp còn thấp hơn nữa so với nhu cầu, mới được khoảng 0,21% GDP nông nghiệp, trong khi con số này của Trung Quốc là 1,55%, Hàn Quốc là 3,4%…

Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 của Bộ Tài chính cho biết, khoản chi cho khoa học công nghệ khoảng là 9.140 tỷ đồng, vượt 1% chi từ Ngân sách Trung ương. 

Đầu tư đã thấp nhưng lại dàn trải và thiếu trọng tâm, trọng điểm, cụm từ “chạy đề tài”, “chạy dự án” đang là câu cửa miệng của ko ít nhà khoa học, của không ít cơ sở nghiên cứu khoa học Điều đó đã làm méo mó và biến dạng các dòng ngân sách đầu tư; người quyết định đầu tư không chịu trách nhiệm gì về các sản phẩm KH&CN của các cơ sở nghiên cứu khoa học này.

Cách thức quản lý ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiện nay rất cần phải được tổ chức lại, dựa trên các tiêu chí về hiệu quả hoạt động KH&CN của đơn vị, của cá nhân nhà khoa học.

Một trong các vấn đề cần được quan tâm trong đầu tư là đầu tư xây dựng mới và hoàn thiện các phòng thí nghiệm cho các nhóm nghiên cứu; đồng thời nâng cấp, hoàn thiện các phòng thí nghiệm đang có.  

Vấn đề tiếp theo là đầu tư trực tiếp cho các nhà khoa học. Động lực vật chất trong điều kiện hiện nay chính là chế độ lương và thưởng, cơ chế lương và thưởng hiện nay không khuyến khích nghiên cứu khoa học. Nếu chúng ta tiếp tục để các TS trẻ đã có thành tích công bố quốc tế ở nước ngoài trở về lại phải lo dạy thêm và chật vật kiếm sống, không tập trung được vào chuyên môn, thì họ sẽ bị thui chột dần và rơi vào lối mòn của các đường mòn phi khoa học mà những người đi trước đã đi. Như vậy chúng ta phải thay đổi càng sớm càng tốt chính sách đầu tư theo KPIs trên cơ sở thay đổi tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả; đẩy mạnh hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ theo hình thức khoán theo các sản phẩm trung gian hay sản phẩm cuối cùng.

 

 

Cần rà soát, kiểm kê lại các phát minh, sáng chế, các công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín để thấy được hướng đi và thành tựu của từng cơ sở nghiên cứu khoa học, từng nhóm nghiên cứu và từng cá nhân nhà khoa học. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu mở về các nhà khoa học và các thành tựu KH&CN của quốc gia, làm cơ sở cho việc xác định nhiệm vụ và phân bổ kinh phí KH&CN đúng và trúng, tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đồng thời với các nhóm nghiên cứu chuyên môn sâu, cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập các nhóm nghiên cứu liên ngành và đa ngành (liên kết NC) trong mỗi cơ sở nghiên cứu khoa học và giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, không phụ thuộc vào “biên giới” quản lý hành chính của các cơ sở nghiên cứu khoa học này.

Cần có Quỹ nghiên cứu khoa học dành cho nghiên cứu sinh hoặc trong các dự toán đề tài, dự án có kinh phí cho nghiên cứu sinh, để với sự hướng dẫn của Giáo sư đầu ngành, trong thời gian làm nghiên cứu sinh, họ có thể giải quyết được một phần hay toàn bộ vấn đề mà nhóm nghiên cứu và Lab đang theo đuổi. Nhờ thế, sẽ không còn các “lò ấp tiến sỹ”, chúng ta sẽ có các TS thật, Thạc sĩ thật.

 Muốn thu hút các nhà khoa học toàn tâm toàn ý cho hoạt động nghiên cứu, cần tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp. (ảnh minh họa)

Gửi người đi đào tạo ở nước ngoài chính là một cách du nhập khoa học, nhưng con đường thứ hai, cơ bản hơn nhiều, là mời những chuyên gia có trình độ cao từ nước ngoài, trong đó có các nhà KH Việt kiều, đến xây dựng, nâng cấp và hướng dẫn và cùng nghiên cứu khoa học tại các cơ sở trong nước, điều mà đây đó lâu nay đã được tiến hành, nhưng chưa thành một xu hướng vững mạnh, do chưa có cơ chế tạo động lực và nguồn lực cho hoạt động quan trọng này.

Muốn thu hút được các nhà khoa học toàn tâm toàn ý cho hoạt động khoa học, nghiên cứu khoa học rất cần tạo ra cho các nhà khoa học môi trường làm việc chuyên nghiệp. Môi trường làm việc sẽ tạo ra các nhóm làm việc và ngược lại: các nhóm làm việc này sẽ tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp của chính họ, tạo dựng nên uy tín nghề nghiệp của chính họ, thoát ra khỏi lối quản lý nhiêu khê rườm rà.

 

 

Để KH&CN được cuộc sống tiếp sức, không có cách nào khác là các cơ sở nghiên cứu khoa học phải “bắt tay” với doanh nghiệp, phải “bắt rễ” vào thực tiễn và ngược lại, những yêu cầu của doanh nghiệp và thực tiễn sẽ làm thay đổi về chất và lượng cả dạy và học, cả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở nghiên cứu khoa học; và các nghiên cứu của nhà khoa học sẽ giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý…. 

Từ thành công trong phòng thí nghiệm đến thành công trong thương trường là một con đường đầy đèo dốc, bất trắc; nên ở nhiều nước, các trường đại học đã thành lập các công ty “khởi nguồn công nghệ” (spin-off, hay còn được gọi là spin-out) làm cầu nối chuyển tải các kết quả nghiên cứu của cơ sở “khỏi nguồn công nghệ đến với xã hội. Nhà nướcc cần có chính sách thiết thực, cụ thể và đủ mạnh để khuyến khích và nuôi dưỡng loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ còn đang mới mẻ này ở Việt Nam.

Muốn khuyến khích công nghệ trong nước, nhà nước phải đánh thuế cao những công nghệ nhập khẩu tương tự mà trong nước đã có hoặc sắp có, đây là điều Hàn Quốc đã làm và thành công. Nhà nước cũng nên xét miễn thuế đối với các doanh nghiệp có đầu tư cho nghiên cứu khoa học của các cơ sở nghiên cứu khoa học như các nước có nền KH&CN phát triển đang làm.

Ðể các doanh nghiệp đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, nhất thiết Nhà nước cũng phải ban hành các chính sách về đổi mới công nghệ mà các doanh nghiệp buộc phải theo. Hiện nay, do chưa có chính sách, nên đầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,2 – 0,3% doanh thu, một tỷ lệ quá thấp so với các nước trong khu vực như Ấn Ðộ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc thiết bị của Việt Nam hàng năm cũng chỉ đạt 8 – 10%, trong khi ở các nước trong khu vực có tỷ lệ tương ứng là 15 – 20%. Riêng về công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện có tới 58% doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có công nghệ lạc hậu từ thế kỷ trước.

 

 

Phát triển NNST trên cơ sở áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xanh là tất yếu khách quan nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp tuyến tính sang mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và đòi hỏi của thực tiễn của phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và sự giầu có, hạnh phúc của người nông dân Việt Nam.

 

Động lực và nguồn lực của việc phát triển NNST là chính sách, thể chế, nhân lực và nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ. Để KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp nông thôn chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau:

 Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 52/NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

– Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nghiên cứu, ứng dụng CNSH theo tinh thần của Nghị quyết 36 -NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN trong nông nghiệp, nhất là thị trường về mua bán bản quyền giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp.

Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hàng năm đạt 0,84% GDP nông nghiệp, theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (hiện nay mới đạt 0,2% GDP nông nghiệp).

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao 4.0 trong nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo lập môi trường chính sách, pháp luật thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá về nông nghiệp.

Có chính sách phát triển nghiên cứu, chế tạo thiết bị phục vụ cơ giới hoá, tự động hoá phù hợp với điều kiện Việt Nam có chất lượng và giá thành cạnh tranh làm cơ sở thúc đẩy cơ giới hoá, tự động hoá trong nông nghiệp, nông thôn.

NNST là một hướng đi, một cách tiếp cận thực hành canh tác, một quan điểm phát triển đạm tính nhân văn, là con đường đi tốt cho cả con người và thiên nhiên bao quanh họ. Ngày nay, NNST không chỉ còn là lý thuyết tồn tại trên các trang giấy hay là giấc mơ của các cộng đồng, nó đã hiện hữu, đã trở thành thực tiễn sinh động ở khắp mọi nơi.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã mở ra chân trời mới cho việc phát triển nông nghiệp của nước ta; đồng thời đó là quan điểm phát triển mang tầm nhìn thời đại để chuyển kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, chuyển nông nghiệp thâm canh hóa học sang NNST.

KH&CN với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giũ vai trò then chốt trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp thâm canh chỉ hướng tới tối đa hóa lợi nhuận kinh tế sang nền nông nghiệp xanh, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, và về lâu về dài, nó mang lại sự giầu có cho nông dân và sự hưng thịnh cho các hệ canh tác, một nền nông nghiệp luôn tràn đầy năng lượng, đó là nền NNST.

Các đổi mới về chính sách KH&CN trong thời gian tới ở nước ta sẽ mang đến cho các cơ sở NCKH những luồng sinh khí mới; nhờ thế, NNST sẽ có thêm động lực và nguồn lực để trở thành thực tế sinh động trên khắp các làng quê Việt Nam./.

 

GS.TS Trần Đức Viên

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo

Học viện Nông nghiệp Việt Nam