Ngày nay, tất cả các máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động đều có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật cơ khí. Vì vậy, ngành Kỹ thuật cơ khí luôn là ngành học thu hút rất nhiều bạn trẻ theo đuổi. Vậy ngành này học gì, ra trường có thể làm việc ở vị trí nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Kỹ thuật cơ khí là gì?
Sinh viên thực hành sử dụng máy gặt đập liên hợp hợp tác cùng Công ty TNHH Kubota
Kỹ thuật cơ khí là ngành lâu đời nhất, rộng lớn nhất của kỹ thuật. Kỹ thuật cơ khí là một ngành khoa học kỹ thuật, ứng dụng các nguyên lý vật lý, kỹ thuật và khoa học vật liệu để thiết kế, phân tích, chế tạo và bảo dưỡng các loại máy móc và hệ thống cơ khí. Nó là một lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến thiết kế, chế tạo và vận hành máy móc (sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa…).
Lĩnh vực kĩ thuật cơ khí cần sự am hiểu về các lĩnh vực cốt lõi, bao gồm: cơ học, động lực học, nhiệt động lực học, khoa học vật liệu, phân tích cấu trúc và năng lượng. Ngoài những lĩnh vực cốt lõi trên, kĩ thuật cơ khí còn sử dụng các công cụ như: thiết kế với sự trợ giúp của máy tính (CAD), quản lí vòng đời sản phẩm để thiết kế và phân tích nhà máy sản xuất, thiết bị công nghiệp và máy móc, hệ thống nhiệt và làm lạnh, hệ thống giao thông, máy bay, tàu thủy, robot…
Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật cơ khí sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề liên quan đến phân tích, tính toán, thiết kế, kiểm tra các cơ cấu, hệ thống thiết bị cơ khí, sản phẩm thiết bị kỹ thuật; kiến thức về nguyên lý hoạt động, kết cấu, động lực học, chẩn đoán kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp ráp, sử dụng các phần mềm kỹ thuật để thiết kế, chế tạo, khai thác sử dụng các loại thiết bị, máy móc cơ khí và chuyển giao công nghệ đối với các sản phẩm khác nhau thuộc lĩnh vực cơ khí.
Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị kỹ năng lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa vào giải quyết các vấn đề của hệ thống máy và thiết bị cơ khí; điều tra, thu thập, xử lý và phân tích thông tin phục vụ nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí; sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí; thiết kế, chế tạo, chuyển giao công nghệ, quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy và thiết bị cơ khí. Đồng thời, sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thích nghi và áp dụng các công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt.
Cựu sinh viên K53 CKCTM đang làm việc tại Nhật Bản
Sinh viên thực tập nghề nghiệp tại cơ sở
Cựu sinh viên Nguyễn Kim Quyền (K41CKTP), Giám đốc dự án công ty MAGOS – Nhật Bản (thứ 3 từ trái sang)
Ngoài khối kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn được chú trọng phát triển các kỹ năng như: kỹ năng tư duy logic, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và được tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành tại hệ thống trung tâm thực hành với các thiết bị cơ khí tiên tiến; thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên đề với sự đồng hành của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, các cuộc thi chế tạo máy, robot trong và ngoài Học viện. Đây là cơ hội giúp sinh viên học tập và phát huy tố chất, khả năng của bản thân, tăng cường trau dồi kỹ năng để phục vụ công việc sau này.
Sinh viên khoa Cơ – Điện nhận giải thưởng cuộc thi thường niên Olympic cơ học Toàn quốc năm 2019
Sinh viên tham gia cuộc thi Lái xe sinh thái – Tiết kiệm nhiên liệu 2019 do Công ty Honda tổ chức
Hàng năm, Học viện dành gần 30 tỷ đồng trao học bổng cho sinh viên để tạo điều kiện cho sinh viên phấn đấu vươn lên trong quá trình học tập. Bên cạnh các chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập, Học viện còn liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Mosanto, Cargill, Viettel, Đạm Cà Mau, Vietinbank, Agribank… trao học bổng cho sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận học bổng Tài năng Việt (SV Nguyễn Thị Thương – K61CKDL, Khoa Cơ – Điện)
Học Kỹ thuật cơ khí ra làm gì?
Theo số liệu dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Falmi) công bố thường niên thì nhu cầu nhóm ngành Cơ khí – Luyện kim – Công nghệ ô tô xe máy hiện đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ trên 25% nhu cầu lao động. Chính vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí có cơ hội việc làm rộng mở với mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt. Mức lương trung bình dành cho kỹ sư ngành Kỹ thuật cơ khí hiện nay là 10-15 triệu. Đối với các kỹ sư có trình độ cao hoặc có nhiều năm kinh nghiệm mức lương có thể lên tới 25-30 triệu đồng/tháng.
Một số sản phẩm của Đề tài tốt nghiệp do sinh viên khoa Cơ – Điện thực hiện
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí có thể làm việc tại các vị trí sau:
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương.– Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các viện, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực cơ khí.
– Kỹ sư làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, tư vấn và xuất nhập khẩu thiết bị máy móc cơ khí.
– Kỹ sư thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, thiết bị tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, thiết kế, thi công nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền thiết bị, công nghệ.
– Làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí.
Nếu bạn yêu thích ngành Kỹ thuật cơ khí và mong muốn học tập tại ngôi trường có bề dày truyền thống này thì hãy nhanh tay đăng ký vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Mã trường | Mã nhóm ngành | Tổ hợp tuyển sinh | Phương thức xét tuyển |
HVN | HVN05 | A00: Toán, Vật lí, Hóa học A01: Toán, Vật lí, Tiếng Anh C01: Ngữ văn, Toán, Vật lí D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh | – Tuyển thẳng – Xét học bạ – Xét tuyển kết hợp – Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 |
Thông tin liên hệ
Điện thoại: 024 6261 7578, 024 6261 7520, 0961 926 639, 0961 926 939
Website: www.vnua.edu.vn
Facebook: www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn