Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước đang hoạt động. Sự gia tăng về số lượng, quy mô của doanh nghiệp chăn nuôi cùng với xu hướng sản xuất theo chuỗi khép kín từ nông trại đến bàn ăn đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực ngành Chăn nuôi, Chăn nuôi thú y với mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt.
Sinh viên ngành Chăn nuôi, Chăn nuôi thú y thực hành tại Phòng Thí nghiệm Trung tâm – Khoa Chăn nuôi (ISO/IEC 17025:2017) |
Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang đào tạo trình độ đại học với 2 ngành: Chăn nuôi – Thú y và Chăn nuôi. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các chương trình đào tạo từ các trường đại học uy tín trên thế giới, lấy ý kiến các bên liên quan đến chăn nuôi và thú y. Đặc biệt, tháng 11 năm 2021, chương trình đào tạo của Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt chứng nhận kiểm định của mạng lưới các trường Đại học khu vực Đông Nam Á (AUN-QA). Đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa Chăn nuôi được đào tạo bài bản tại các nước tiên tiến trên thế giới với 2 Giáo sư, 10 Phó giáo sư, 17 tiến sỹ, 5 nghiên cứu sinh. Cơ sở vật chất của khoa được trang bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu cho các nghiên cứu cơ bản và nâng cao do dự án World Bank và Koica tài trợ.
Đối với ngành Chăn nuôi – Thú y, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức về chăn nuôi như di truyền, chọn lọc và nhân giống vật nuôi; thực hiện quy trình công nghệ chăn nuôi; thiết kế chuồng trại mà còn được trang bị kiến thức, kỹ năng hành nghề thú y như chẩn đoán, phòng và trị bệnh vật nuôi, cung cấp các hoạt động dịch vụ và quản lý trong lĩnh vực thú y phù hợp với từng điều kiện chăn nuôi khác nhau để có thể làm tốt công tác quản lý, nghiên cứu, phân tích kiểm định chất lượng thức ăn, kiểm soát và quản lý vệ sinh môi trường chăn nuôi, marketing thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân tích kiểm định chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi… phục vụ tốt chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững.
Đối với ngành Chăn nuôi, sinh viên được trang bị kiến thức về chọn lọc và nhân giống vật nuôi; quy trình công nghệ chăn nuôi; kỹ năng phối hợp khẩu phần, thực hiện quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi; phân tích kiểm định chất lượng thức ăn và quản lý môi trường chăn nuôi; marketing thức ăn chăn nuôi; phân tích kiểm định chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA) |
Ngoài những kiến thức được trang bị tại Học viện, sinh viên ngành Chăn nuôi – Thú y và Chăn nuôi còn có cơ hội tham gia chương trình thực tập hưởng lương tại doanh nghiệp trong nước (Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Cargill, Mavin, Masan, Dabaco, Sunjin, Green Feed, Hòa Phát, Tigervet, Agriviet,…), chương trình trao đổi sinh viên với Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Summer school, cũng như tham gia chương trình thực tập sinh ở các nước có nên nông nghiệp tiên tiến trên thế thới (Nhật Bản, Isarel,…). Đặc biệt là chương trình thực tập hưởng lương tại Đan Mạch mang lại cơ hội đột phá cho sinh viên năm thứ 3 và thứ 4.
Bên cạnh đó, các khoá đào tạo kỹ năng mềm, chương trình sinh hoạt học thuật, nghiên cứu khoa học, các cuộc thi dành cho sinh viên được tổ chức hàng năm giúp sinh viên có cơ hội hoàn thiện, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý bản thân… Sinh viên Khoa Chăn nuôi cũng có nhiều cơ hội nâng cao trình độ, phát triển bản thân thông qua các khóa đào tạo của Công ty Greenfeed, Sunjin, Agriviet, Toàn Cầu… Hàng năm sinh viên khoa Chăn nuôi có cơ hội nhận được các suất học bổng trị giá hàng trăm triệu đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sinh viên Khoa Chăn nuôi thực tập nghề nghiệp tại Công ty TNHH Sunjin Việt Nam |
Sinh viên lớp “Hạt giống tài năng khoa Chăn nuôi” chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô và các chuyên gia đến từ công ty GREENFEED |
Ông David John Whitehead – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin – chia sẻ kỹ năng mềm và trao học bổng cho sinh viên khoa Chăn nuôi |
Sinh viên tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y, Chăn nuôi có thể làm việc tại các vị trí như:
– Cán bộ quản lý, kiểm dịch tại các đơn vị hành chính sự nghiệp: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục chăn nuôi thú y, Chi cục kiểm định chất lượng nông lâm thủy sản tại các tỉnh, huyện và các bộ, sở, ban ngành liên quan.
– Cán bộ kỹ thuật tại các trang trại chăn nuôi của tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế có liên quan đến chăn nuôi, thú y và phát triển nông thôn.
– Nhân viên kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tại các doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài, liên doanh, tư nhân, các cơ sở sản xuất có hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
– Giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng khối Nông-Lâm-Ngư, viện, trung tâm nghiên cứu về chăn nuôi và thú y.
– Làm chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, mở phòng khám, điều trị tự do, kinh doanh thuốc và vật tư thú y.