Tin tức

Seminar giữa Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi với Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Dương Châu – Trung Quốc

Tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới là một trong những định hướng của nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi – Khoa Chăn nuôi nhằm mở ra các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Ngày 31/10/2024, nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã phối hợp với Khoa Chăn nuôi – Trường Đại học Dương Châu – Trung Quốc tổ chức seminar trực tuyến để thảo luận các tiến bộ trong công nghệ gen, giống vật nuôi và công nghệ chăn nuôi. Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Vinh – Phó trưởng khoa Chăn nuôi đã giới thiệu về Nhóm nghiên cứu và Khoa cũng như các tiềm năng hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật giữa hai bên. Tham gia buổi seminar có sự tham gia của các thành viên thuộc nhóm nghiên cứu mạnh, cán bộ, sinh viên khoa Chăn nuôi và TS. Chu Anh Tiệp, Khoa Nông học.

 

Buổi hội thảo được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Các nhà khoa học tại trường Đại học Dương Châu đã trình bày về các công nghệ mới trong công tác giống như công nghệ chọn lọc theo bộ gen (Genome), các yếu tố di truyền di động (Mobilome) ở lợn, nuôi cấy tế bào mầm nguyên thủy của gà và ứng dụng trong bảo vệ nguồn gen. Bên cạnh đó, các giáo sư của Đại học Dương Châu cũng trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất về chăn nuôi lợn và chăn nuôi bò sữa như: Các yếu tố gây tổn thương đường ruột ở lợn con và biện pháp điều chỉnh bằng dinh dưỡng; Nghiên cứu tình trạng ô nhiễm chì và cadmium ở trại bò và ảnh hưởng tới bò sữa. Đây là những vấn đề cũng đang được quan tâm ở Việt Nam hiện nay.

 

Về phía Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ Chăn nuôi, GS Vũ Đình Tôn đã trình bày về “Thực trạng và thách thức trong chăn nuôi lợn ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững”. GS Vũ Đình Tôn đã khái quát hóa tình hình chăn nuôi lợn ở Việt Nam hiện nay, đồng thời nêu bật một số nghiên cứu về công nghệ gen, chọn giống lợn của Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi. GS Vũ Đình Tôn cũng đã đề xuất một số hướng nghiên cứu mà hai bên có thể hợp tác trong thời gian tới. Tiếp đó, TS Hoàng Anh Tuấn đã trình bày về “Các giống gà nội ở Việt Nam và định hướng sử dụng và phát triển các giống này”. 

 

Buổi seminar đã diễn ra thành công với nhiều chủ đề được trình bày và thảo luận giữa các nhà khoa học hai bên. Sự thành công của buổi seminar cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa nhóm Nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi với Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Dương Châu trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi