Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao thành tích đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Cùng tham dự Lễ khai giảng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh và đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, sau 40 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã nổi danh trên thị trường quốc tế.
“Tôi đi thăm và làm việc ở một số nước, các bạn đánh giá rất cao sự phát triển của Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8 triệu tấn gạo”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Đánh giá cao vai trò của nguồn nhân lực với sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp những năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước. Gần 70 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 120.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ đại học, trên 15.000 thạc sỹ và hơn 700 tiến sỹ. Học viện là 1 trong 6 trường đại học đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập; và được đánh giá là một trong các trường đại học thực hiện sinh động và thành công nhất Nghị định của Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Dẫn chứng con số trên 90% sinh viên Học viện ra trường có việc làm ngay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao công tác đào tạo của Học viện, chứng tỏ công tác đào tạo đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp, đổi mới và sáng tạo cho sinh viên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng rất ấn tượng với việc Học viện đã coi nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là sức sống của trường đại học, gắn bó hữu cơ với nhiệm vụ đào tạo. Học viện cũng luôn chủ động, tích cực và sáng tạo trong chuyển giao công nghệ vào thực tiễn. Học viện cũng là một điển hình về hội nhập quốc tế theo phương châm “lấy ngoại lực để thúc đẩy nội lực phát triển”
“Sự hiện diện của các vị khách quốc tế như các vị đại sứ, Ngân hàng Thế giới, JICA, KOICA… và đại diện sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia đang học tập tại đây là một minh chứng rất thuyết phục về tầm vóc của Học viện trong con mắt bạn bè quốc tế”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển một đại học đa ngành, đa lĩnh vực vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Khẳng định lại quan điểm của Đảng coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ là then chốt đối với sự phát triển và hưng thịnh của đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải phấn đấu để không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước mà còn phải là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, một trung tâm của đổi mới sáng tạo, một địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp quốc gia.
Học viện cần xây dựng một Đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đa phân hiệu theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới
Hai là, những người tốt nghiệp đại học ngày nay không những cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và chuyển đổi số; mà còn cần phải có kỹ năng tự học suốt đời, kỹ năng đổi mới sáng tạo, có khả năng tư duy phản biện và hợp tác, cùng với các kĩ năng mềm khác, đảm bảo các em có đủ năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng.
Ba là, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ đại học thực chất hơn và ở tầm cao mới, theo các tiêu chí và thông lệ của giáo dục đại học ở các nước phát triển; đảm bảo hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt, xuất phát từ thực tiễn đất nước và con người Việt Nam.
Bốn là, nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới phục vụ mục tiêu “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”. Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh.
Năm là, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tạo điều kiện tốt nhất để Học viện tham gia tích cực vào các chương trình KH&CN do Bộ chủ trì, trước mắt là chương trình xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp và các chương trình khác trong thời gian tới; các phòng thí nghiệm với các thiết bị ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trên thế giới của Học viện phải là lực lượng chủ lực trong hệ thống các phòng thí nghiệm tham chiếu, được chỉ định của quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt.
“Tôi yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm đầu mối của các trường đại học liên quan tổ chức đào tạo về phòng chống thiên tai để hình thành đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai chuyên nghiệp ở nước ta; đồng thời giao Học viện mở lại chương trình đào tạo cán bộ quản trị HTX theo hình thức đối tác công tư, một lĩnh vực rất quan trong của đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ.
Sáu là, phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường đại học với địa phương, nhất là địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào cần có những hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó; đồng thời, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển.
Phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học mới 2024 – 2025 và khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ từ vốn ODA của Ngân hàng Thế giới”, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong suốt chặng đường 68 năm thành lập và phát triển, Học viện đã không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để khẳng định là một trong những đơn vị hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và PTNT.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ ngành và Ngân hàng Thế giới, Học viện đã được đầu tư dự án: “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” với tổng vốn 58,7 triệu USD.
Đây là một dự án mang dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển 68 năm qua của Học viện, dự án đuọc đầu tư đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phòng nghiên cứu, phòng thực hành và nâng cao năng lực quản trị đã làm thay đổi diện mạo, tạo nền tảng quan trọng giúp Học viện vươn mình lên một tầm cao mới để tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp và cho đất nước trong giao đoạn mới.
“Những tư tưởng, định hướng cốt lõi cho sự phát triển đất nước, cùng với những thông điệp quan trọng mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, tại Đại học Columbia về con đường của Việt Nam và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới; cũng như bài phát biểu chính sách tại Đại học Trinity Dublin ở Ireland; tại Diễn đàn FrancoTech… các thông điệp mang dấu ấn thời đại, mang tầm nhìn cho kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã truyền cảm hứng và thực sự trở thành niềm tự hào, lời hiệu triệu cho con tim người dân đất Việt hướng về mục tiêu cao cả xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, dân giàu nước mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Gần 30.000 sinh viên và 1.400 cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quyết tâm cao nhất, không ngừng nỗ lực phẫn đấu lao động, học tập và nghiên cứu để góp phần hoàn thành các mục tiêu cao cả mà đồng chí TBT, CTN kính mến đã nêu ra”, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm, được thành lập năm 1956. Với 68 năm phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đào tạo 69 khoá sinh viên. Năm học 2024-2025, Học viện đón hơn 6.000 sinh viên. Cùng đồng hành với sinh viên là gần 1.300 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 700 giảng viên, nhà khoa học có học hàm, học vị cao: tiến sĩ, giảng viên cao cấp, phó giáo sư, giáo sư… với tấm lòng yêu nghề, thương yêu sinh viên.
Dự án SAHEP – VNUA từ nguồn vốn của WB được triển khai tại Học viện đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo của Học viện. Thông qua Dự án này, cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện phát triển mạnh mẽ, khang trang, hiện đại với 13 công trình được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu làm việc, giảng dạy, học tập của cán bộ viên chức và sinh viên.